Gặp lại thằng bạn sau bao năm, câu chào của tôi là "mày đã ăn cơm chưa?!" làm thằng bạn cười bò ra " đúng là thằng Bắc kỳ, nếu tao bảo rằng chưa ăn thì mày tính sao?" . Tôi nghệt cái mặt ra
Kéo nhau vào quán cà phê cóc bên đường. Như thường ở ngoài Hà Nội là quay mặt vào trong, bạn tôi bảo, ngồi nhìn ra ngoài đường thích hơn và sau này tôi thấy thích hơn thật.
Những quán cafe cóc ở Sài Gòn đầy đường và thơm ngon hơn bây giờ nhiều. Cái thú sáng sáng ra ngồi đồng ở quán cafe đọc báo của rất nhiều người.
Nếu nhớ Hà Nội quá, có thể ra ga Sài Gòn cũ tức công viên 23/9 bây giờ uống nước trà bắc và hút thuốc lào vặt.
Sài Gòn những năm 80 thật đẹp, không bụi bậm như Hà Nội, không bị cắt điện, đi đường cả ngày áo quần vẫn còn sạch.
Tôi vô cùng thích thú những cơn mưa rào vào những buổi chiều, trú tạm dưới mái hiên một ngôi nhà nào đấy, chờ mưa tạnh, đường phố lại khô ráo, sạch sẽ và lạ hẳn.
Thời gian đầu sống ở 400 Nguyễn Công Trứ Q1. Tôi phải tập làm quen với cuộc sống mới. Phải tập ăn một tô hủ tiếu của người Hoa với nước dùng ngọt của lịm đường.
Buổi sáng có thể là một gói xôi mà ban đầu tôi cảm giác như ăn cơm nguội với rất nhiều đường và cơm dừa.
Bữa cơm trưa ngoài quán cũng rất lạ đối với mình, họ ăn bằng đĩa và muỗng chứ không bằng bát và đũa như ngoài bắc và bao giờ cũng có một ly trà đá to tướng. Sau này tôi cũng bắt chước họ và thấy có lý, ăn cơm buổi trưa lắm lúc cũng chán, hớp một ngụm trà đá, ăn sẽ lại ngon miệng trở lại.
Buổi tối, đạp xe lang thang trên đường phố Sài Gòn thật thú vị.
Từ những đường phố vắng tanh, không có cảnh kẹt xe như bây giờ, đạp xe về lại trung tâm- quận nhất để coi đám thanh niên quậy phá. Họ thường tụ tập ở khu vực trung tâm tp như nhà thờ Đức bà hoặc trên đường N Huệ. Nhìn những chiếc xe đạp độ đèn sáng choang để đua, lạng lách khá thích
Ngày xưa nhìn ai có chiếc xe 67 huyền thoại là chúng tôi mê mệt. Đi sau họ có được ngửi khói cũng sung sướng. Chiếc xe máy có khi giá trị hơn một căn nhà nhiều, thật vui khi đấy tôi không hề nghĩ tới nhà ,đất mà chỉ mơ có chiếc xe máy
Và kết quả cũng mua cho mình được một chiếc cups78 nghĩa địa nếu quy ra bằng 4-5 mảnh đất ở Q Gò vấp
Ở SG chả có ai thèm để ý đến mình, kể cả CA khu vực. Cô Ngân CA mấy lần tới cửa hàng nhiếp ảnh chơi còn hỏi có muốn nhập khẩu vào tp không và tôi trả lời tỉnh bơ rằng chả cần. Điều này làm cho tôi hay có suy nghĩ buồn cười : giá như biết ở Sg dễ như thế này có lẽ tôi đào ngũ từ lâu rồi chứ không phải nghiến răng chịu đựng đến 4,5năm ở quân đội ( ở Hn thời gian trước đây trốn về thì rắc rối vô cùng, không có tiêu chuẩn mua gạo, thực phẩm và xin việc làm không được, rồi cha mẹ, người thân bị ảnh hưởng v.v.v)
Sau nhiều năm sống phải nói là vật vờ ở thành phố này, với một nghề rất tự do ,tôi đã nhiễm rất nhanh với cuộc sống phóng khoáng của người lao động Sg. Sống ngày hôm nay chả phải lo nghĩ đến ngày mai nhiều lắm - bởi ngày mai vẫn kiếm được tiền như thường - chỉ cần mình chịu khó, chăm chỉ một chút là ổn Tôi vẫn nhớ Hn nhưng không thể rời bỏ Sg được.
2/ Sài Gòn - những ngày tháng cũ
Trong thời gian chụp ảnh ở nhà thờ, tôi có dịp gặp khá nhiều người quen. Những người này ảnh hưởng rất lớn đến công việc, tương lại của mình. Tôi nghĩ mình còn nợ họ rất nhiều.
Cũng tình cờ, tôi gặp lại thầy giáo dạy văn của mình từ thời còn học cấp 3 trường Chu Văn An - thầy Linh
Qua nhà thờ chụp ảnh kỷ niệm cùng với vợ chồng anh Đức, chị Tú lan, Tôi nhận ra thầy
Anh Đức và chị Lan là kiến trúc sư, hồi đó chỉ là nhân viên của CTy vật liệu xây dựng và thiết kế XD là tiền thân của công ty Coteccons Group - Unicons bây giờ
Hồi đó kỹ sư, kiến trúc sư hay nói chung dân văn phòng, giáo viên ăn lương nhà nuớc thời bao cấp nghèo lắm
Lại còn từ ngoài bắc vào Sài Gòn sinh sống nên thiếu thốn đủ bề.
Hai anh chị cũng không phải là ngoại lệ. Từ ngoài HN vào Sg sống họ chả có gì ngoài mỗi một chiếc xe đạp và phải ở nhờ nhà cơ quan trên đường Hồ Tùng Mậu
Trước đây, ở Sài Gòn nhà cửa rất rộng, cuộc sống của họ dư dả nên nhu cầu cho thuê nhà rất hiếm, có khi họ sợ bị chiếm mất nhà.
Chiều chiều, anh chị chả có việc gì và chả biết đi đâu nên thường đạp xe đến cửa hàng 91 Calmette chơi với tôi.
Cùng cảnh ngộ, nên anh chị coi tôi như em út trong nhà
Có khi chúng tôi cùng đạp xe đi ăn cơm bụi, hoặc ăn phở thay cho những bữa cơm chiều. Rồi lại lang thang quán cóc uống cafe vợt, những quán cóc này có ở khắp mọi nơi.Tuy là quán cóc so với những quán cafe hiện đại bây giờ như Trung nguyên, cafe highland .v.v.v nó còn ngon lành hơn nhiều.
Từ anh chị, tôi lại quen anh Lợi là anh cả của gia đình. Anh, chị là cán bộ ngành bưu điện.
Những năm 80, cán bộ viên chức chưa được coi trọng, là nhân viên nhỏ nên anh chị chỉ được cấp một căn hộ sát mặt đường những lại không phải là mặt tiền đường. Cũng như biết bao nhiêu người chuyển công tác từ bắc vào, lương lậu eo hẹp nên phải xoay xở kiếm thêm bằng mọi cách.
Ban đầu, anh chị đục một lỗ tường cho ông sửa xe đạp thuê một bóng đèn buổi tối.Rồi đục cái cửa sổ kiếm thêm bằng cách bán đá tủ lạnh. Đục tiếp cửa ra vào thành nhà mặt phố, chữa xe đạp, bơm xe máy
Thời gian này, tôi không còn làm bảo vệ của cty nhiếp ảnh - có khả năng bị phải trở ra Hà Nội.
Thật may, anh chị lại cho ở nhờ trên căn gác xép. Nhờ vậy mà tôi mới tồn tại ở Tp này
Và cũng thật là vui a Đức,chị Lan đến cùng ở căn gác nhỏ này
Ngày trước, mỗi lần có công viêc phải sang Q4, Q Bình Thạch là rất ngại. Ở bên khu vực này khá nhiều kênh rạch. Nhất là mùi hôi của cống rãnh, nhiều gia đình không còn nhà cửa phải lấn ra bờ kênh dựng nhà để ở. Rất nhiều khu nhà ổ chuột ở đây. Rồi tệ nạn ma túy, mại dâm cũng phát sinh từ đây. Ngày đấy dân Q4 nổi tiếng lắm
Tình cờ tôi quen biết một cô bạn làm bên ub phường 22 Bình Thạnh nên cũng xin được một miếng đất. Mang tiếng là đất nhưng thực ra đó là khu đất nghĩa địa mà phường cần giải tỏa. Thời điểm đó có xin vài miếng đất còn được
Tôi còn độc thân nên chả thiết tha gì chuyện nhà cửa. Nhưng anh Đức và chị Lan lại rất cần cho một gia đình.
Thế là một căn nhà cỡ như nhà chị Dậu được hình thành bằng đủ mọi thứ vật liệu. Từ lá buông, lá dừa, nylong, tôn ximang.
Sống chung với những người lao động nghèo cũng vui, cuộc sống của họ thật đơn giản, có người ban ngày đi kiếm tiền, chiều tối về đưa tiền cho vợ con mua mỗi ngày khoảng 1kg gạo, chút muối mắm cho bữa ăn là lại vô tư nhậu nhẹt, ca hát
Ở đây tôi được nghe khá nhiều bản Nhạc Bolero với giọng ca nhừa nhựa, nhão nhoẹt được đệm bởi đũa, muỗng, xoong nồ.i
Nhạc Chế Linh, Tuấn Vũ cũng được yêu thích ở xóm nghèo này
Một tháng có hai đợt triều cường trẻ con vô tư lội nước vui đùa với đám rác rưởi, bèo tây nổi lềnh phềnh
3----
Sài Gòn những năm 80 của tôi
Thú thật, cả 5-6 năm ở Sài Gòn. Tôi cứ loay hoay kiếm sống bằng cái nghề chụp ảnh mà không khá lên được.
Thời gian này, tôi vẫn cứ hy vọng mình sẽ đi xk lao động ở Đức hoặc Tiệp
Nhưng cái số của mình không thể đi được.
Trở lại Hà Nội sống thì không thể. Tôi đã yêu cuộc sống tự do của Sài Gòn mất rồi. Cứ nghĩ ra lại Hà Nội làm công nhân thì chán lắm
5-6 năm vụt trôi
Anh Đoàn Công Tính là người giúp tôi vào SG Không còn làm giám đốc của cty Nhiếp ảnh Q1 nữa. Có nghĩa tôi bị gạt ra. Người
ta không cho làm bảo vệ cửa hàng nữa. Như vậy sẽ không còn chỗ ở. Không có chỗ ở thì làm sao sống ở đất Sài Gòn.
Những năm nay, dân Sài Gòn mặc dù nhà cửa rất rộng rãi nhưng họ không dám cho thuê trọ như bây giờ - họ sợ bị mất nhà.
Những năm 80, người Sài Gòn còn kỳ thị người ngoài Bắc nhiều lắm. Họ cho rằng người Bắc vào Sài Gòn là nguyên nhân làm cho họ khốn khổ v.v..
Anh Hải chủ cửa hàng nhiếp ảnh 70 Quán Thánh vào chơi bảo: “ làm như em thế này chả bao giờ khá lên được. Ra Hà Nội bây giờ cũng sống tốt”
Anh Nhàn thấy cảnh vất vưởng của tôi mới bảo “ Em chỉ nên sống ở Sài Gòn thêm 1 năm nữa, nếu không thay đổi phải quay ra Hn chứ sống thế này không được”
Trong thời gian nay, tình cờ tôi làm quen một cậu bạn có nhà ở đường Đinh Bộ Lĩnh. Là công nhân, nhưng cậu ta lại rất thích nghề ảnh và đang muốn học rửa ảnh – điều này tôi làm được. Và may mắn gia đình bạn cho tôi ở, coi như người nhà
Sống ở Sài Gòn năm, sáu năm mà tôi vẫn sống chẳng ra đâu vào đâu cả. Gia tài vẫn vẻn vẹn có chiếc máy ảnh, cây đèn để hành nghề chụp dạo, một chiếc xe đạp cũ mèm để đi lại, nói chung chả có tương lai gì.
Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện xưa, tôi vẫn bảo với vợ rằng bà phải dũng cảm lắm mới lấy tôi.
Khi biết tôi sống ở Sài Gòn một mình, người thân, họ hàng chả có một ai, nghề nghiệp lại không ổn định, chỗ ở không có, phải ở nhờ nhà của người bạn. Bên gia đình kịch liệt phản đối, họ biết rằng, con cháu họ lấy 1 thằng chồng như tôi sẽ rất khốn khổ.
Ngày đám cưới tụi tôi không biết là vui hay buồn nữa
Bên gia đình của tôi ở ngoài Hà Nội, do không có chỗ ở nên tôi không dám mời ai cả vào dự cả
Còn bên nhà gái, cô gì chú bác, em út trốn sạch.
Đám cưới tụi tôi tổ chức đơn giản tại nhà người bạn mà tôi đang ở nhờ
Nếu như trưóc đây, còn độc thân vợ tôi sẽ vẫn ở nhờ nhà cô chú trên Gò Vấp, tôi ở nhờ nhà bạn.
Vấn đề được đặt ra – đã thành một gia đình rồi, làm sao mà ở nhờ họ được nữa.
Mọi người mới hỏi sẽ ở đâu.Tôi trả lời rằng tôi cũng chả biết sẽ ở đâu nữa. Có thể vợ sẽ ở nhờ một căn phòng dành cho giáo viên ở trường ĐHSP, còn tôi sao cũng được.
Nghĩ lại cũng thấy sợ. Sao hồi đó chúng tôi liều thế nhỉ?. Chả biết sợ là gì
Sau hôm đám cưới, 2 vợ chồng lang thang vật vờ.
Đến chơi nhà vợ chồng anh chị bạn ở Thị Nghè- một ngôi nhà rách nát mái nhà lợp bằng lá buông, xung quanh được quây bằng những tấm tôn ximang và áo mưa được dựng lên tạm bợ như nhà của chị Dậu
xung quanh còn chi chít mồ mả.
Anh chị lại hỏi một câu mà tôi đang rất đau đầu "Ở đâu?". Tôi nói rằng tôi không biết.
Tôi như chết đuối vớ được cọc khi anh chị nói rằng :” thế thì về đây ở cho vui”
Những năm 80 cuộc sống của những người miền bắc sống ở Sài Gòn rất khó khăn. Tôi có vài người bạn cũng muốn kiếm cơ hội sống ở đất này, nhưng không có chỗ ở cũng phải bật bãi
Anh Đức, chị Tú Lan có thời gian vất vả, khốn khổ không kém gì. có lúc tưởng rằng phải quay ra Hà Nội sống.
Chúng tôi được anh chị giành cho một chỗ ở tốt nhất của căn nhà – căn gác xép nhỏ xíu bên trên, dưới là bếp và tolet
Những ngày sống ở xóm Gò mả cùng với vợ chồng anh Đức, chị Tú Lan là những ngày tháng đầm ấm và hạnh phúc nhất của cuộc đời. Tuy vất vả, thiếu thốn tứ bề. Chúng tôi cứ ao ước ” giá như anh chị để lại cho căn gác để ở “…
Thời gian này tôi chụp ảnh ở nhà hát Hòa Bình một địa bàn mới, khách chụp ảnh cũng nhiều. Nhà hát Hòa Bình là nơi vui chơi có tiếng ở Q10. Những bộ phim mới, phim tư liệu lần đầu tiên được chiếu ở đây – thời gian này là thời gian hoàng kim của ngành chiếu bóng
Những ngày chủ nhật đối với chúng tôi là một dịp kiếm tiền, buổi sáng ở đây có 2 xuất ca nhạc gồm các nghệ sỹ, ca sĩ truóc 75 và sau 75. Dân Sài Gòn rất có nhu cầu nghe lại những bài hát cũ, một thời bị cấm đoán.
Tôi thường chụp ảnh cho giới nghệ sỹ Họ vốn đẹp và ăn mặc đẹp, chụp nhiều, có khi còn rửa ra rất nhiều ảnh để tặng cho người hâm mộ.
Cũng có rất nhiều người hâm mộ thần tượng của họ mà thuê chúng tôi chụp ảnh, cứ chụp thoải mái, có bao nhiêu ảnh họ lấy bằng hết.
Lần hồi tôi cũng dành dụm được vài chỉ vàng, mua được một miếng đất 12 m2, xây cho mình một ngôi nhà bằng gạch, xịn nhất xóm Gò Mả – mang tiếng vậy, nhưng nhà cũng chả còn tiền mà tô trát, dưới nhà kê được một chiếc giường. Nền nhà đổ cát. Xỏ mấy cây xà gồ và trải mấy tấm ván cofa làm gác lửng.
Ngôi nhà mơ ước đang hình thành mà phân vân chưa biết nên mua giấy dầu hay lá dừa để lợp mái. Anh Đức chị Lan lại phải cho vay nửa chỉ vàng để mua tôn xi măng lợp mái cho đỡ dột.
Lần đầu tiên trong đời có một căn nhà riêng của mình -tự hào lắm, hạnh phúc lắm.
Xóm Gò Mả quận Bình Thạnh vốn là khu nghĩa địa của thời trước, người dân khu này vốn rất nghèo. Rồi người tứ xứ cũng kéo về đây sinh sống. Trộm cắp, đĩ điếm đầy. Mấy ông hàng xóm nhậu nhẹt tối ngày, các bà vợ đánh tứ sắc ăn tiền, cãi chửi nhau như mổ bò
Ban đầu sống cùng với người dân lao động thấy có nhiều điều khác lạ, hơi sợ, nhưng ở riết cũng thành quen.
Thấy nhiều gia đình ăn bữa nào, mua gạo bữa đó, bột ngọt, mắm, muối chỉ mua đủ ăn một ngày. Câu “ chạy ăn từng bữa” có khi ở đây mà ra. Và tất nhiên, chúng tôi cũng hoà nhập với cuộc sống ở đây rất nhanh