Bài hát " Gửi anh lá thơ viết dở" tình cờ được nghe lại.
Thế là một trời kỷ niêm của những năm 80 về trước lại hiện ra.
Bài hát kéo chúng ta về những năm tháng đất nước còn chiến tranh khó khăn, thiếu thốn.
Có ai trong chúng ta lại không có những lúc mong đợi những lá thư của người thân. Những lá thư, chính là cầu nối thương yêu.
Đám lính trẻ chúng tôi, trong ba lô lúc nào mà chả có vài cái phong bì, cây bút máy, một tập giấy pulia trắng muốt để lúc nào rảnh lại viết thư, rồi mong chờ hồi âm
Trong ba lô chúng tôi bao giờ cũng lưu giữ một tập thư mà coi như là báu vật, rảnh là lôi ra đọc lại.
" Cỏ non nay chắc đã già.
Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem".
Một quý, chúng tôi được đơn vị phát cho 12 con tem với giá 12xu , nếu thư dầy quá, người ta cân lên và bắt phải dán thêm tem.
Những lá thư nhận được, không còn là của riêng nữa. Mà như cả một tập thể.
Có cậu bạn còn không biết viết thư nữa, thế là cả bọn lao vào, mỗi thằng một ý và cuối cùng cũng hoàn thành. Cậu ta chỉ việc...ký tên.
"Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.
Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.
Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay.
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy."
Thờì gian còn trong quân đội là thời gian tôi hay viết thư cho người thân, bạn bè nhiều nhất.
Đám lính chúng tôi cũng thỉnh thoảng viết thư cho đài phát thanh yêu cầu bài hát mình ưa thích được phát vào 7h30 sáng chủ nhật hàng tuần.
Nhưng năm còn bé tí, tôi thường hay lục lọi trong đống thư từ, ghi chép của anh trai tôi.
Say xưa ngồi đọc trộm thư từ trao đổi của ông anh. Thích nhất là những bức thư mà gia đình gửi cho anh kể chuyện về mình.
Tôi cũng bắt đầu viết thư cho anh mình. Anh tôi bảo sao viết thư toàn gạch đầu dòng như là liệt kê thế.
Những lá thư sau, tôi viết như là bài tập làm văn học ở trường học vậy.
Sau này tôi chăm chỉ viết thư hơn, không còn ngại nữa.
Chuyện về những bức thư cũng có lắm oái oăm. Có những bức thư báo tin em đã đi lấy chồng đến trước, lá thư đến sau em vẫn chờ anh, yêu anh.
Lại có trường hợp thật khó xử. Thư được gửi cho cô em, cô chị lại nhận cất đi làm của riêng.
Ngày nay đám trẻ không còn khái niệm về viết thư tay nữa.
Phương tiện truyền thông phát triển đã thay đổi, cuộc sống bây giờ trở lên hối hả, gấp gáp hơn. Thông tin được cập nhật tức thì. Họ xa rời sách bút là đương nhiên.
Chiếc điện thoại bây giờ là cả thế giới.
Riêng tôi vẫn còn nguyên nỗi nhớ của một thời.
Tôi vẫn nhớ lá thư cuối cùng mình viết.
Một lá thư thật buồn!.