Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

HÀ NỘI – NHỮNG NĂM 70


Con sông tuổi thơ của tôi là sông Tô lịch – đoạn chảy từ ngõ 79 đến ngõ 105 Thuỵ Khuê
Ôi! Cứ ra ngõ lại gặp sông. Cầm cây chổi sể cùn quét ngõ, không sạch là bị mắng ngay “ mày đứng sõng lưng như vậy quét sao sạch, quét xong mang rác ra sông mà đổ”
Thông thường sáng CN,có bà cụ Lầm vác cái alo bằng tôn chõ vào từng nhà, kêu gọi mọi người tổng vệ sinh, cống rãnh ngoài đường và mặc nhiên rác vẫn đổ xuống con sông tội nghiệp
Con sông ngày đấy là như vậy, bẩn thỉu hôi thối không thể tả.
Cứ một năm, người ta lại phải khơi lại dòng sông, rác lại móc lên mặt đường, chờ cho khô rồi mới có xe xúc. Đi lại đoạn đường này khổ sở vô cùng.
Buồn hơn cả là giờ đây, con sông vẫn bẩn.
Điều đó có hề chi, bọn trẻ chúng tôi vẫn ra sông hớt bọ gậy mang sang làng Yên phụ đổi lấy cá chọi để chơi hoặc bắt cá 7 mầu cho vào cái coong bằng thuỷ tinh mà ngồi sung sướng ngắm nghía
Những ngày mưa to, nước thoát không kịp, ngập lênh láng, có bữa vào tận gần nhà, chúng tôi rât thích, ra sông lội bì bõm. Khi đó nước sông có vẻ sạch hơn, xem mấy ông bạn câu lươn rất thú vị. Thỉnh thoảng tôi lại thấy mấy bác ở quê cùng với 2-3 con chó, một bó rơm hun chuột – những con chuột to tướng nhìn phát kinh
Cứ sáng sáng đám trẻ trong xóm lại líu ríu rủ nhau chạy ra ven hồ Tây bơi lội, câu cá bống, bắt tôm, mò trai, mò ốc. Câu cá bống thú vị lắm – cứ buộc mấy con giun vào sợi chỉ, nhử cá bống ở đáy hồ, khi nào thấy tê tê ở đầu cần là giật đồng thời lấy rổ hứng
Dù sao cái ngõ nhỏ này cũng yên bình, mát mẻ nhờ có mấy bụi tre nơi mà có khá nhiều các cô thiếu nữ xinh đẹp có tiếng ( trai Yên thái- gái Thuỵ khuê ) hàng ngày tụ tập ngồi tết con tôm để mang bán làm móc treo chìa khoá, kiếm thêm thu nhập
Thỉnh thoảng tôi vẫn phải đi chợ Đồng Xuân để mua thực phẩm. Thường là ngồi ở nhà, nghe tiếng ầm ầm của tầu điện là có thể biết tầu đang chạy lên chợ Bưởi hay chợ Đồng xuân, lúc đó chạy ra vẫn kịp
Tuy vậy có khi vẫn bị nhầm với tiếng leng keng của xe bán đá cục – trời ơi, ngày xưa chúng tôi nhai đá rau ráu. Nếu hôm nào có xe bán kem – mua được thì sung sướng không biết đâu mà kể
Cái thời bao cấp, các gia đình ở Hà nội đều phải mua thực phẩm bằng tem phiếu, kể cả mấy bao diêm. Có khi diêm chính phẩm chả có mà lại thay bằng một bịch diêm tiết kiệm
Cả gia đình 1 tháng tiêu chuẩn hơn 1kg thịt thì bằng mọi giá phải mua được thịt mỡ để rán trứng hoặc xào rau
Ngày đấy đến muối cũng phải xếp hàng mới mua được.
Ở các chợ đều có những người hay mua lại tem phiếu, nhất là ở chợ Đồng xuân, mọi người gọi là “con phe”
Nhà tôi không có con gái nên công việc chợ búa do tôi đảm nhận hết.
Cái từ “ mất sổ gạo” ngày trước là cả một vấn đề, rất rắc rối. Một tháng 2 lần tôi mang sổ gạo lên cửa hàng lương thực Thuỵ khuê đong gạo. Hôm nào hên đong được gạo còn mới, thông thường toàn gạo cũ ăn vào bở bùng bục
Tem phiếu ngoài số 1,2,3 của nhân dân 1 tháng được 3 lạng thịt,
Số 4 mua thịt chín – tôi hay sang chợ Ngọc Hà mua,
Số 5,6 mỗi số được 5 bìa đậu phụ
Số 7 mua được 1/2 lít nước mắm
Số 8-9 dùng để mua cá
Tuy vậy muốn mua cũng phải căn khi nào có mới mua được chứ không có sẵn. Cũng vì do không có hàng nên số tem phiếu bán lại cho dân phe
Khi mà trong túi có vài đồng, mua được chiếc vé xem phim ở rạp Long Biên hay Đại Đồng thì thật là hạnh phúc
Tôi vẫn còn nhớ có năm trường Ba Đình còn tổ chức cho chúng tôi xem bộ phim " Chiến tranh và hòa bình" ở rạp Đại đồng và chúng tôi được ngồi trong rạp coi từ sáng tới chiều

  Viết bình luận... NHẬT KÝ XUYÊN VIỆT Chuẩn bị Trên mạng có bài " Đọc được topic này vừa vui, vừa tiếc. E chỉ có 1 ước mơ trước khi lấ...