(Kỷ niệm những ngày còn ở trong quân ngũ)
Chia tay với đoàn Xuyên Việt, Đăngbi tiếp tục đi về Xuân mai –Hòa bình để về Hà nội. Như vậy là đã đi hết cả chặng đường HCM - bắt đầu từ Đồng xoài đến Xuân mai. Thật là 1 kỳ tích đối với mình
Xuân mai đây rồi, đi khoảng 15 km nữa là tới ngã ba Hòa lạc.
Quán nhỏ ven đường ngày xưa hay ngồi giờ không còn nữa, nó nhường chỗ cho một nhà hàng nguy nga, sang trọng, con đường đất đỏ ngày nào cũng vậy, giờ là đại lộ Thăng long
Nhà phố 2 bên đường đã bịt kín lối vào nơi đóng quân năm xưa. Thấy Đăngbi ngơ ngác, Cô chủ quán xinh đẹp khẽ nói : giờ khác trước nhiều anh nhỉ.
Đăngbi yêu cầu cô chủ quán mở lại bài hát vừa nghe. Có điều gì thân thiết quen thuộc ùa về, lời bài hát cất lên như một giọng hò tha thiết mà đã lâu lắm rồi không được nghe lại:
"Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về giục mõ xa xôi. Ơi chiều!
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi. Ơi chiều!
Cũng vào những ngày này, đơn vị được lệnh hành quân lên Hòa bình khai thác tranh, nứa ,lá để xây dựng doanh trại. Đám lính trẻ chúng tôi vô cùng phấn khới khi nhận nhiệm vụ này. Trung đội tôi được phân công về vùng Đà bắc. Xe đưa chúng tôi xuống chợ Bờ, do đường nhỏ nên chúng tôi phải vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm vào bản bằng đường bộ.
Không thể tả nổi cảm xúc được thoát khỏi cuộc sống tù túng nơi doanh trại. Giờ đây chúng tôi được sống với thiên nhiên, với rừng núi
Bây giờ mới hiểu thế nào là khăn mặt vắt vai , một con dao quăng – đơn vị đo quãng đường của người dân tộc.
Chúng tôi sững sờ trước cảnh đẹp của sông Đà. Mùa này hoa mơ nở trắng cả một vùng sông nước. Những chiếc đò buông sào, lặng lẽ bên sông
Cùng đi hôm đó có một tốp các em gái là thanh niên của các xã dưới xuôi lên khai thác lòng hồ thủy điện Hòa bình. Không khó khăn gì, khi chúng tôi nhập vào và làm quen, hóa ra các em hôm nay cũng phải đi vận chuyển nhu yếu phẩm về cho đơn vị. Quãng đường dường như ngắn lại rất nhiều, chúng tôi được biết các em đã lên đây được vài tháng rồi, kể như là ma cũ còn gì.
Chắc là cũng biết 1 vài tiếng dân tộc đây “Thế có biết tiếng Mường “em đi đâu vậy nói làm sao ?” ”
Cô bé có đôi mắt thật đẹp khẽ nói : Em biết mà: “ún ti no thệ đấy”.
Ồ tiếng Mường cũng dễ nói nhỉ, thế tiếng Dao “cái này là cái gì “?
Cô bé người tròn ủng có ánh mắt cực kỳ tinh nghịch nhanh nhẩu “biết quá đi chứ “ém sèm chi a mái sèm “, đồng chí cứ nói vậy là đồng bào biết liền “.
Đangbi gật gù: hôm nay mình học được 2 thứ tiếng đây
Chia tay nhau, các cô em sang bên kia sông, còn chúng tôi đi 1 đoạn nữa là tới xã Đà bắc, nơi đơn vị tập kết
Rừng ngày ấy còn rất nhiều, công việc của chúng tôi là hàng ngày, vào rừng khai thác cây, nứa về để làm doanh trại. Công việc cũng không khó khăn lắm, chúng tôi chỉ đi rừng nửa ngày, nửa ngày còn lại dành giúp cho gia đình người dân tộc Mường nơi chúng tôi ở nhờ, khi thì lên nương thu hoạch sắn hoặc giã gạo giúp các bà mế
Có khi cả buổi chiều, chúng tôi tha thẩn dọc bờ sông Đà hoặc vào các bản làng lân cận chơi. Dọc sông Đà người Mường, người Dao tập trung nhiều
Chủ nhật đối với đồng bào dân tộc ở đây như 1 ngày hội, chợ được họp ở sát bến sông. Ngay từ sáng sớm, đồng bào dân tộc ở xa tận trên núi cao lũ lượt gùi hàng đến chợ, các cô gái diện những bộ váy áo săc sỡ, các bà mẹ vừa địu con, tay dắt chú chó chạy lon ton.
Khu chợ họp ngay bến tầu thủy chạy tuyến Hòa bình - Chợ Bờ, rất tiện giao thông nên đồng bào dưới xuôi tham gia rất đông
Khỏi phải nói, đám lính chúng tôi không mấy khi bỏ lỡ cơ hội được tới chợ mua sắm, ngắm nghía không khí rộn ràng ở đây.
Gặp mấy cô gái Mường súng sính trong bộ váy mầu sặc sỡ, chúng tôi trổ tài : ‘ún ti no thệ’ , các cô trả lời ngay “ti dơn’ , chúng em đi chơi đấy – thì ra vùng này người Mường nói tiếng kinh rành lắm
Được đà chúng tôi lại sáp vô mấy đám người Dao, chỉ vào gùi thổ sản của dân tộc mà tôi không biết: “ém sèm chi a mái sèm” ? Hai bà mế trố mắt nhìn tụi tôi, sợ nghe chưa rõ, tôi nhắc lại, không hiểu sao các mế cứ đưa tay lên che miệng mà cười. Sợ mình nói không đúng nên đồng bào không hiểu chăng?
Qua hàng của các cô gái khác hỏi, lập tức các cô đỏ bừng cả mặt, cúi mặt và đấm vào lung nhau thùm thụp, có cô che mặt bỏ chạy
Nhận ra có vấn đề, chúng tôi tìm hiểu mới biết câu này giống như câu ‘em ơi có yêu anh không’. Thật là hú vía, may mà không bị mắng. Cô bé kia chơi xỏ chúng tôi rồi
Chiều về, có khi ngoài sông cũng rất buồn nên lâu lâu mới gặp câu hò bâng quơ nào đấy cất lên từ những con đò đang chống sào bên sông, chúng tôi thích lắm
Hò ơ
công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra
ơ hò…
Câu ca dao thật quen thuộc, nhưng qua giọng hò trở lên khác lạ, nó cứ da diết, như nhắn nhủ, như vỗ về. Tiếng hò vang vọng vào vách núi cứ ngân nga, ngân nga mãi không dứt
Đám lính chúng tôi cũng ba trợn lắm chứ chẳng hiền lành gì, hò không được thì hét: “em ơi anh yêu em quá’”
Lập tức 1 giọng hò khác cất lên
"Hò ơi ơi hò
Anh về hỏi mẹ hỏi cha
Yêu em yêu thật hay là yêu chơi"
Chúng tôi chưa buông tha “Em ơi, làm vợ anh nhé’’
Giọng hò khác nữa cất lên
"Hò ơi
Sông sâu cá lặn biệt tăm
Phải duyên chồng vợ ngàn năm vẫn chờ"
Chúng tôi lại gào lên “làm vợ bộ đội sướng lắm”
Câu hò vẫn khoan thai từ tốn:
"Chàng ơi cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam"
Chừng như thấy chúng tôi hơi đùa dai, một giọng chua như dấm cất nên:
"Đến đây không hát thì hò
Chứ không phải ngẩn cổ cò ra nghe"
Thế rồi một ngày đẹp trời, chúng tôi cũng hò được, tất nhiên câu cú chả ra làm sao, cứ râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Chiều hôm đó 1 mình lang thang dọc theo sông, vắng lặng, nhìn quanh quẩn không có ai tôi liều mạng cất lên:
"Sông đà nước chẩy lơ thơ
Anh đi kéo nứa bơ vơ một mình"
Hò được 1 câu mà trống ngực đập thình thịch, mồ hôi vã cả ra như tắm
Ai ngờ 1 giọng hò bên sông cao vút tha thiết:
"Đi đâu tha thẩn một mình
Cho em theo với chung tình làm đôi"
Thôi chết, có người nhìn thấy mình rồi, rõ ràng người ta hò đối lại mà mình làm sao mà đáp lại. 36 chước chỉ có chước chuồn là thượng sách, mấy ông bạn vàng nghe tôi kể câu chuyện ngoài sông cứ cười bò 1 ông còn họa lại 1 bài thơ tứ tuyệt:
"Đi đâu tha thẩn bộ đội ơi
Hãy ngước nhìn xem cảnh đất trời
Lòng buồn hãy ngắm thiên nhiên đẹp
Bước chậm đi nào,đợi em theo"
Vui nhất vẫn là những đêm trăng sáng, chúng tôi kéo nhau ra sông ngồi chờ trăng lên. Trên thuyền nào đó thấy 2 bên bờ đông vui mới tham gia, một giọng nam thả một câu bâng quơ:
"Hò ơ
Thuyền than mà đậu bến than
Thấy em vất vả cơ hàn anh thương
Ơ hò"
Tức thì mấy em bên sông đáp:
"Thuyền chi mà đậu bến chi
Em không vất vả lấy gì nuôi con!"
Thấy chúng tôi loay hoay 1 giọng quen quen cất lên như thăm hỏi:
"Trăng lên đỉnh núi trăng tròn
Người hò hôm trước có còn hay không?"
Biết làm sao bây giờ, chúng tôi chỉ phá là giỏi chứ đối đáp thế nào được, thôi thì cứ hát bừa:
"Ổi xanh chấm với muối vừng
Ai ăn cũng phải tưng bừng khen ngon"
Trời ơi, phô không thể tả được, tuy nhiên bên sông các em vẫn nhẹ nhàng:
"Gió nồm là gió nồm nam
Trách người quân tử ăn tham chả mời"
Lại tiếp:
"Cô kia cô kỉa cô kìa
Người sao xinh thế của kia thế nào?"
Lập tức giọng chua như dấm hôm trước:
"Cũng xinh cũng xỉnh cũng xình
Cũng râu cũng tóc giống mình đấy thôi"
Thế là chúng tôi vào cuộc cũng bốc lên:
"Mâm xôi phải có con gà
Cụ ông phải có cụ bà mới vui"
Lại nữa:
"Em ơi em hỡi em hời
Vợ đánh tơi bời thì cũng tại em ơi"
Bên sông thấy chúng tôi cứ lao sao mới trêu:
"Năm xu mua được mớ mùi
Người hò thì ít, người xui thì nhiều"
Rồi các em biết không thể đối nổi với thứ văn cục của chúng tôi, mà có thắng tụi tôi thì chả vẻ vang gì nên cứ mặc cho chúng tôi hò hét rộn cả 1 khúc sông, đồng bào thấy vui quá cũng ra cổ vũ cho chúng tôi
Một ngày đẹp trời chúng tôi mò sang bên các em chơi, chả quá ngạc nhiên gặp lại người quen hôm nào .
Tiếp chúng tôi là cô bé có giọng hò từng làm tôi ngây ngất, nhìn dáng bộ e thẹn và thình thoảng lại kín đáo dấu đi nụ cười. Chúng tôi như người khác hẳn … Còn cô bé có giọng hò đanh đá thì trốn biệt
Chúng tôi trở nên thân thiết và coi nhau như anh em trong nhà.Từ bấy trở đi các cô dậy cho chúng tôi biết cách nhả chữ, giữ hơi, biết hò sao cho ngọt …
Cứ như vậy, gần một năm sống ở trên đất Đà bắc là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi
Buồn nhất là ngày nhận lệnh phải trở về đơn vị. Không kịp chia tay, không một lời hứa hẹn với các em. Chúng tôi như trở lại mặt đất .
Từ đó tới nay, tôi không còn cơ hội gặp lại các em, cũng như không còn nghe được một câu hò nào nữa