Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Những người bạn


Trong thời gian rảnh rỗi tôi thường sang cửa hàng 151 Đồng khởi
Đây là một cửa hàng bán tranh lớn nhất thành phố thời bây giờ. Cửa hàng trực thuộc Cty nhiếp ảnh Q1.
Chị Nghĩa là cửa hàng trưởng, vốn là hoạ sỹ chuyên nghiệp từ Hà Nội chuyển vào. Cửa hàng này có rất nhiều họa sĩ mang tranh tới ký gửi .
Bao giờ tôi đến, các chị đều rất vui và rất hay trêu trọc tôi với cô Chính là nhân viên bán hàng bằng tuổi nhau rất xinh đẹp
"Thằng Đăng nó tới kìa Chính ơi
Mày phải quyết định nhanh thôi không con khác nó cuỗm mất"
Nhìn khuôn mặt cô bé tôi không hiểu tại sao cứ đỏ bừng lên và rất lúng túng
Tôi bảo "con này nó có người yêu rồi, sao mà chen vào"
Chị Nghĩa vẫn không tha " thứ nhất cự ly, thứ nhì tốc độ, mày chỉ cần với tay là ôm trọn..."
Đến lượt mặt tôi cũng nóng bừng lên
Chị cứ ngắm nhìn mãi 2 đứa em thân yêu
Tôi không thể nghĩ được điều gì hơn. Một thằng thanh niên nghèo, không có hộ khẩu thành phố đã là yếu thế rồi. Không có nhà cửa, họ hàng bà con gì thì lại càng mất điểm.
Chị Hà là nhân viên bán tranh. Chị am hiểu về hội họa và tôi thân với chị hơn cả
Chị Hà là người nói tiếng Anh giỏi nhất Cty, giọng cực kỳ chuẩn, nhiều thằng Tây nhà quê nghe chị nói chuyện mà phục lác mắt. Chị bảo " 10 thằng tây thì có đến 8 thằng nhà quê, chả việc gì phải ngại "
Thời gian này, khách nước ngoài ghé qua cửa hàng mua tranh khá nhiều
Hai chị em thường rủ nhau đi uống cà phê và nói chuyện trên trời dưới biển.
Có tối 2 chị em thuê thuyền chở sang bên kia sông Sài Gòn khu vực Thủ Thiêm uống cafe và ngắm nhìn thành phố về đêm.
Hóa ra gia đình của chị rất nổi tiếng . Ông bố là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết nổi tiếng trước năm 75 bà mẹ cũng là ca sỹ nổi tiếng một thời --.Danh ca Ngọc Cẩm là vợ của cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, là mẹ của ca sĩ Hồng Hạnh, Hồng Danh. Sinh thời, Ngọc Cẩm và chồng là một trong những cặp song ca nổi tiếng nhất của làng nhạc miền Nam trước 1975,
Tôi cùng với chú em Sơn cụt tìm gặp bác Thiết cùng chị Hà trong một lần ra Hà Nội
Một ông già ngồi ghế đá, đeo cặp mắt kính cận dầy cộp, tay cầm batong ngồi hát một mình ven hồ
Tôi ngồi với bác cả 1 buổi chiều bên hồ gươm để nghe bác kể chuyện
Bác bảo, Hà nội của các cậu đẹp quá, đẹp không thua thành phố Pari của Pháp.
Chị Hà muốn nhờ tôi chụp cho mấy tấm ảnh. Ngạc nhiên, thấy 1 chị không muốn chụp hoa, chị bảo hoa chụp đâu chả vậy
Ngược lại, chị dẫn tôi theo chị chụp rất nhiều cảnh tầu điện ở bờ hồ
Chị bảo, tao yêu đơn phương 1 thằng họa sỹ kém tuổi nhà ngay đầu Hàng Bông Đăng chụp cho chị vài kiểu ngôi nhà mặt tiền khi tầu điện chạy qua. Tấm ảnh này chị nâng niu ngắm nghía mãi.
Tình bạn của tôi với chị khá lâu. Sau này tôi cứ tiếc mãi sao không nhờ chị dạy tiếng Anh cho mình
2/Anh Tuấn
Trước năm 54 nhà Long biên đã là đại tư sản ngoài Hà Nội. Rạp chiếu phim Long biên ở phố hàng Chiếu là tài sản gia đình của anh phải bỏ lại để đi tản vào Sg
Ảnh viện Long biên chiếm một vị trí có lẽ đẹp thứ hai thứ ba trên con đường đẹp nhất Sài Gòn ngày trước có tên là Tự Do.
Anh Tuấn là người con cả của gia đình
Do chỉ là người lính kỹ thuật của chế độ cũ nên bị đi học tập cải tạo vài năm
Trở lại Sài Gòn, gia đình vợ con đã bỏ lại tòa nhà 118-120 Đồng Khởi để đi Mỹ.
Trở về, nhà đã bị nhà nuớc tiếp quản, anh đã lớn tuổi, ai mà nhận anh vào làm việc bây giờ
Để tồn tại, anh buộc lòng phải quay về nơi đáng lẽ anh phải ngồi ở vị trí ông chủ, cậy cục xin vào làm công ăn lương.
Ban đầu anh được hợp đồng làm công việc tráng film cho Cty.
Có ít người chơi với anh, họ ngại anh, có thể họ nghi ngờ anh. Tại sao một người giàu có, quyền thế như vậy mà lại cam chịu làm thuê cho những người mà ngày xưa muốn bắt tay anh còn khó
Có người còn nói hình như anh Tuấn là người duy nhất biết được gia đình chôn giấu vàng bạc ở đâu đó trong ngôi nhà rộng thênh thang nay, rồi thừa cơ lấy lại
Riêng tôi thấy anh rất nghèo, sau khi hết cải tạo vài năm, anh lấy môt bà vợ khác và có 1cháu gái rất xinh.
Ở nhờ nhà vợ chắc cũng chật trội bên quận 3 nên tuần 2-3 ngày anh lại đạp xe đến cửa hàng tôi chơi và ngủ lại, anh em rất quý mến nhau.
Buổi tối anh thường dạy tôi học võ judo
Anh nói học võ là dạy cho con người biết chịu đựng
Có lần tôi hỏi anh có buồn không khi phải chịu đựng cảnh làm thuê, anh không nói gì mà nói lảng sang chuyện quản lý công ty thời bao cấp quá ư rườm rà, người nhiều mà không hiệu quả.
Tôi lại hỏi anh có oán trách gì không, khi mà gia đình ly tán. Không ngờ anh lại hồ hởi nói, ngày trước có nằm mơ cũng không có chuyện được định cư ở Mỹ
Nhiều tiền như gia đình anh mới chỉ nghĩ tới chuyện du học
Nay cả đại gia đình đang mong anh sang đoàn tụ
Đối diện với thực tế phũ phàng như thế mà không nản chí, luôn luôn hướng về phía trước như anh thật đáng trân trọng
Dân Sài Gòn thật lạc quan dù hoàn cảnh nào cũng dễ dàng thích ứng. Không thấy họ chửi bới chính quyền. Thường sáng sáng, họ tụ tập cafe bàn chuyện làm ăn rồi lại lao vào công việc. Với họ chế độ nào cũng vậy, miễn là để cho họ làm ăn
Sau này dân Sài Gòn có rất nhiều gia đình trở nên khá hơn nhờ một lượng lớn người thân đi tản hoặc định cư ở Mỹ, họ gửi tiền đôla, hàng hóa về nuớc giúp.
Có lẽ anh cũng được gia đình viện trợ nhiều nên cuộc sống sau đó có khá hơn
Films màu và giấy ảnh màu Kodak là một mặt hàng có giá trị.Thị trường ảnh màu lại sôi động.
Trước năm 75, anh Tuấn đã từng sang Nhật, Mỹ du học nên không xa lạ gì với
kỹ thuật ảnh màu.
Cty mở thêm một phòng tráng ảnh và một phòng rọi ảnh màu.
Anh Tuấn phụ tránh phòng màu
Buổi trưa chúng tôi tập trung ăn cơm ở Cty, sau đó tôi thường chui vào phòng ảnh xem anh rọi ảnh màu.
Ngày đấy muốn học làm ảnh màu tốn kém lắm, có Khi mất tới cả cây vàng.
Dân Hà Nội nhiều người phải vào Sài Gòn để học.
A Tuấn không hề giấu nghề, anh chỉ bảo tôi cặn kẽ từ cách pha thuốc, để nhiệt độ nào thích hợp để có được tông màu vừa ý.
Một hộp giấy màu có giá 2chỉ vàng chứ không ít. Khổ giấy 20*25 được các bác chia ra được 5 tấm ảnh lại còn thừa một mẩu dùng để thử.....
Đã nhiều năm tôi không còn gặp lại anh . Nghe nói anh được gia đình bảo lãnh qua Mỹ
3/Một Gia Đình Của Người Bạn
Nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, là một ngôi biệt thự xinh đẹp, lại nằm ở một vị trí rất đẹp trên con đường vắng vẻ của nhưng năm 80 trước đây.
Rất nhiều công chức chế độ cũ sống ở con đường này.
Một bà già người bắc nhỏ nhắn, nét mặt nhẹ nhõm, nói năng nhỏ nhẹ, lúc nào cũng tươi cười, là chủ quán cafe kiểu của gia đình.
Con cháu khoảng 3-4 người, nhưng khách khứa, người quen, từ bắc đến nam không lúc nào thiếu - một gia đình rất hiếu khách, một gia đình người bắc nhưng lại sống theo phong cách của người nam
Cuối những năm 80, tôi còn đang loay với công việc chụp ảnh ở nhà thờ Đức bà mà không được thuận lợi lắm, và nhất là muốn tồn tại ở thành phố này, điều đầu tiên là phải có chỗ ở.
Trong thời gian này tôi biết có nhiều người bạn ở ngoài bắc, vì muốn thay đổi, tìm vào tp để kiếm sống.
Nhưng vấn đề chỗ ở, không thể kiếm ra nên phải quay về lại quê hương
Thuê nhà những năm này rất khó khăn, rất nhiều người dân tp, sau một thời gian đi vùng kinh tế mới cũng không trụ nổi phải bỏ về sống lay lất, thậm chí nằm ngay trước vỉa hè của căn nhà mình trước đây.
Tôi quen với Nguyên thật tình cờ, qua việc mua bán vật tư nghành ảnh - Một cậu thanh niên rất hiền lành, giản dị, mặc bộ đồ công nhân tới làm quen với một thằng có khuôn mặt khá thật thà và có phần hơi khắc khổ là tôi.
Nguyên là người vốn cẩn thận và cũng ham học hỏi, nhất là cậu ta lại rất thích cái nghề ảnh.
Những năm này nghề ảnh cũng là một nghề khá hot và mới mẻ. Sau một thời gian rất dài nhà nước độc quyền quản lý
Cậu ta nhờ tôi bầy cho cách pha thuốc tráng phim, rửa ảnh đen trắng - những việc này vốn rất quen thuộc với tôi. Những hôm rảnh rỗi, tôi vẫn cùng bạn đi chơi và hướng dẫn chụp ảnh, sau đó chui vào phòng tối loay hoay tráng phim, rọi hình.
Có hôm ngồi chơi quá muộn, biết tôi đang phải ở nhờ, nên bà mẹ ân cần kêu tôi ở lại ăn cơm và nếu thích thì có thể ngủ lại.
Cứ như vậy, tôi ở hẳn nhà Nguyên lúc nào không hay.
Và gia đình nghiễm nhiên coi tôi như là người nhà. Suốt hơn một năm, cho tới khi tôi lập gia đình. Cả nhà còn đứng ra tổ chức đám cưới khi gia đình tôi chả có ai vào Sg được.
Hàng ngày, tôi vẫn xách máy ảnh ra nhà thờ kiếm khách, lúc nào rảnh lại lang thang các cửa hàng trên đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ xem có ai bán giấy ảnh, phim thì mình mua lại, rồi sang tay cho cửa hàng hoặc cho các đầu lậu để ăn chênh lệch, miền nam gọi là cò, một loại cò con
Lúc này Nguyên có một ít vốn, cậu ta nhận thấy rằng, mua bán sang tay như vậy không có lời nhiều lên đề nghị dùng tiền của cậu ta mua lại để kiếm khách, được giá bán có lời hơn
Ông bố Nguyên là cán bộ miền nam, tập kết ra ngoài bắc.
Ông đã có gia đình ở Sg. Bị kẹt hiệp định Giơnever nên gặp bà. Hai ông bà có 2 người con chung. Họ sống ở khu tập thể trường Đảng ngoài Hà nội
Sau năm 75 cả gia đình kéo nhau vào Sg sống. Họ mua lại căn nhà ở Đinh Bộ Lĩnh.
Thời gian này gia đình bạn tôi thuộc vào hàng khá, có các tiện nghi như điện thoại bàn, máy catcette, xe honda vvv. Tuy vậy gia đình sống rất giản dị. Bữa ăn gia đình cũng tằn tiện. Đặc biệt khi nào gia đình có tổ chức sự kiện gì đấy thì rất sang trọng
Những ngày tôi ở đây rất ít khi gặp Sơn. Thỉnh thoảng cậu ta về nhà bằng chiếc xe hơi Volvo cực kỳ sang trọng. Theo như Nguyên nói cậu ta làm ăn lớn, quen biết rất rộng từ nam ra bắc. Những năm đất nước mở cửa là những năm Sơn làm ăn thuận lợi
Thời gian nhà máy diêm Cầu Đuống nhờ cậu ta mà mới mở rộng thị trường vào đến Sg và ngôi nhà ở ĐBL trở thành văn phòng và là đại lý phân phối diêm Thống nhất ở miền nam
Rồi cậu ta phát triển nghề trang trí nội thất, xây dựng. Công việc rất nhiều. Nguyên cũng không còn làm ở cty bảo đảm hàng hải nữa mà ở nhà quản lý cho cậu em.
Tất nhiên là Nguyên cũng muốn tôi tham gia công việc với gia đình. Nhưng tôi vẫn còn loay hoay với những lo toan trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi vẫn làm nghề chụp ảnh ở công viên hồ Kỳ Hòa. Trong suốt cuộc đời chụp ảnh, hồ Kỳ hòa là nơi tôi kiếm được nhiều tiền nhất, cuộc sống của tôi dần dần ổn định
Bẵng đi một thời gian. Tôi đến thăm lại nhà bạn trong hoàn cảnh thật buồn.
Do vướng vào một phi vụ làm ăn không được thuận lợi, cậu Sơn bị tạm giam ở Cao Bằng và có khả năng bị truy tố.
Quá hoảng sợ, Nguyên phải bỏ sang Úc sống. Tôi có biết rằng bạn rất vất vả lao vào làm lại từ đầu bằng những công việc lặt vặt và phải đi học. Duy nhất có một lần tôi liên lạc được với bạn mà không khỏi thương cảm. Trong thời gian này chẳng những tôi không giúp được gì cho gia đình mà ngược lại, Lan vợ Nguyên còn giúp vốn cho tôi mượn 5-60 cây vàng để mua 2 chiếc xe tải và tôi mất tới hơn 3 năm mới trả hết nợ
Lại nói chuyện về bà mẹ Nguyên - Bà Lan có một anh con trai riêng tên là Hải là du học sinh ở Liên bang Nga. Anh Hải lập gia đình, vợ là người Nga, họ có 4 đứa con. Thời gian này ở Nga cuộc sống của những người Việt không còn thuận lợi nữa mà ở Việt nam gia đình có vẻ làm ăn tốt. Bà Lan muốn đón cả gia đình anh Hải về lại Việt nam
Thật là đau buồn đang tiến hành thủ tục thì anh Hải mắc bệnh và mất ở bên Nga. Chị vợ đưa 3 đứa con về việt nam nhưng sau một thời gian không thể quen được với cuộc sống ở quê chồng nên để lại 3 đứa nhỏ cho bà nội, chị trở về Nga và lấy chồng khác
Thương đứa cháu út đang lưu lạc ở trại cô nhi. Bà Lan lại phải một mình lặn lội sang bên Nga cả tháng trời để làm thủ tục tìm và đưa đứa cháu về. Lúc này cả một gánh nặng đặt lên vai bà mẹ già gồm 4 đứa cháu con anh Hải, 1 đứa con của Nguyên, 1 đứa con của Sơn .
Chưa bao giờ tôi thấy bà than thở, tuyệt vọng, nhưng vất vả thì quá sức
Ngôi nhà ở Đinh Bộ Lĩnh phải bán đi để lấy tiền lo cho các cháu và tìm cách chạy án cho Sơn
Do quen biết rộng cả ở tp và ngoài Hn. Mọi người có chức, quyền biết việc của Sơn chỉ là những thủ tục pháp lý chưa hoàn chỉnh. Người nọ người kia hứa hẹn lo giúp cho, nhưng suốt mấy năm tiền và công sức của bà Lan mất rất nhiều mà cũng chẳng đi tới đâu.
Với những người khác, chắc khó mà chịu đựng nổi. Tôi biết bà là một người mẹ tuyệt vời. Cả một đời hết lòng với các con
Câu "ở hiền gặp lành" rồi sẽ trở lại với gia đình bạn tôi. Tôi tin là như vậy. Vợ con của Nguyên sau bao năm xa cách cũng đã được sang Úc đoàn tụ, và cuộc sống mới lại tiếp tục
Cậu Sơn đã được về nhà sau vài năm bị giam giữ- ngay lập tức cậu lại có những dự án mới, tôi tin rằng lần này cậu ta rất khác với trước đây
Mấy đứa nhỏ con anh Hải chắc cũng không còn ly tán nữa
Câu chuyện tương tự như thế này xẩy ra không hiếm ở Sài Gòn những năm đất nước xóa bỏ chế độ bao cấp. Mọi người có rất nhiều cơ hội lao vào làm ăn, có khi thất bại, và cũng nhiều người thành công
Nhà bạn tôi không nằm ngoài quy luật đấy, chỉ có điều may mắn có lúc lại không mỉm cười

  Viết bình luận... NHẬT KÝ XUYÊN VIỆT Chuẩn bị Trên mạng có bài " Đọc được topic này vừa vui, vừa tiếc. E chỉ có 1 ước mơ trước khi lấ...