Sau 1 thời gian xa nhà, hình như mình lại thêm yêu cái thành phố này hơn.
Có đi xa, mới có những cảm xúc thân thương đến thế
Có đi xa, mới có những sự so sánh
Có những nơi hàng ngày qua lại biết bao lần giờ mới để ý, mới biết trân trọng
Nhiều buổi chiều, tôi đạp xe 1 vòng quanh hồ Tây. Nhớ lại ngày xưa, ven hồ Tây vẫn còn hoang sơ, qua Xuân la , Xuân Đỉnh, nơi tôi còn bé tí, học lớp 2
HồTây, nơi đầy ắp những kỷ niệm ngày bé
Hầu như đứa trẻ nào cũng quanh hồ đều biết bơi và bơi giỏi, chúng tôi lặn hụp cả ngày ngoài hồ bắt ốc, mò cua, câu tôm, câu bống
Bơi từ Thụy khuê sang đường Thanh niên đối với tôi là chuyện nhỏ. Có hôm hứng chí tôi còn bơi một mạch sang làng Yên Phụ để đổi giun lấy cá trọi về chơi
Buổi chiều vào vườn bách Thảo nơi tôi thỉnh thoảng vẫn dẫn bạn bè vào chụp ảnh
Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng còn bé tí theo mọi người vào đây quét lá mang về nhà để đun thay củi, bởi ngày đó than, củi phải mua theo chế độ tem phiếu
Cây lim cổ thụ nơi nhốt mấy con voi vẫn còn đấy. Đối diện là chuồng chim, mâý con vẹt đang tập nói cho ăn lập tức nó nói ” Chào ông bà Liên xô” chúng tôi dậy chúng nói ” Nhà nào về nhà ấy ở”
Hàng cây si ven hồ bây giờ không còn nữa, nơi chúng tôi thường leo trên những cành, rễ cây đâm xuống mặt hồ mà leo trèo nhảy nhót như khỉ
Chúng tôi thường trốn học vào đây trèo me, bắt về sầu, đổ dế
Không bao giờ chúng tôi quên leo lên núi Nùng nhặt quả thối mang vào lớp học để đốt, rồi sung sướng nhìn các bạn gái bịt mũi bỏ chạy
Bờ hồ là nơi tôi hay ra chơi
Từ Trung tâm Tp tàu điện tỏa đi các nơi
Tuyến Bờ hồ – Hà Đông
Tuyến Bờ hồ- Cầu giấy
Tuyến Bưởi – Bạch Mai đi qua đây
Tuyến Yên phụ- Cầu giấy
Nhảy tàu điện đi chơi là cái thú của bọn trẻ con chúng tôi
Từ Thụy khuê xuống bờ hồ, tôi thường đu boong tàu trốn 5 xu tiền vé. Hôm nào sui xẻo gặp gặp bác soát vé là bị lôi cổ lên toa ngồi là đau đớn lắm – mất toi một cây kem.
Nhìn mấy cậu bé bằng tuổi mình đeo chiếc phích bán kem dạo trên tầu mà mặt buồn rười rượi
– Kem đây, kem đây
– Kem một hào hai chiếc
– Một chiếc 5 xu
– Này chú bán kem
– Có rao thì rao cho khéo
– Đừng làm léo nhéo
– Có khi vỡ phích trên tầu
Từ bờ hồ, đi bộ một đoạn đường để lên phố Tràng Tiền. Nơi đây có hiệu kem quốc doanh nổi tiếng. Những cây kem cốm, kem dừa mê hoặc tụi nhỏ chúng tôi lắm
Nhìn que kem bốc khói nghi ngút, một thằng tồ ra tỉnh như tôi lạ quá, đâu có dám cắn mà chỉ mút sợ… chóng hết
Tha thẩn ở cửa hàng sách Hà Nội – Huế – Sài Gòn ngắm nhìn những cuốn sách được bày trên kệ mà thầm ao ước có tiền để mua
Và lần nào cũng vậy. Tôi rảo qua cửa hàng bách hóa tổng hợp Tràng Tiền để ngắm nhìn những chiếc đèn pin Trung Quốc, những chiếc xe ô tô nhựa chạy bằng dây cót, hoặc cầm đăng ký chiếc radio để mua pin về nghe đài
Không thể không leo lên tầng trên, nơi mà dưới chân cầu thang có để chiếc gương to tướng ngắm nhìn khuôn mặt thảm hại của mình
Đường Thụy khuê giờ đây đã tấp nập không còn vắng vẻ như trước nữa.
Ngôi trường cũ dường như bé hơn nơi tôi học cấp 1,2
Cây muỗm cổ thụ vẫn còn. Hàng cây Bàng tỏa bóng mát nơi hàng ngày chúng tôi vui chơi cũng không còn
Sân khấu bằng xi măng cũng bị phá bỏ
Nhớ đến cô bạn Nam Phuong khóa 6 trường Ba đình học cùng những năm này thường đứng trên sân khấu hát. Một cô bé có khuôn mặt trái xoan cao cao dễ thương học giỏi, hát rất hay.
Dường như văng vẳng đâu đây bài hát
“Em yêu trường em
Với bao bạn thân,
Và cô giáo hiền
Như yêu quê hương
Cắp sách tới trường trong muôn vàn yêu thương ”
Thăm lại những kỷ niệm ngày xưa bao giờ cũng buồn!
Hà nội giờ đây cũng khác hẳn với những gì mình nhớ về nó
Sau một thời gian sống ở Sg tôi hay có những sự so sánh
Ví dụ như người ngoài này thanh niên có nhiều nét hung bạo, đàn bà nhiều người có nét lẳng lơ không còn kín đáo, dịu dàng như ngày xưa nữa. Trước đây con gái Hà Nội thùy mị hơn nhiều
Ngày xưa có ra đường tán tỉnh, trêu ghẹo các em chỉ e thẹn cúi đầu, che nón mà chả nói gì
Còn bây giờ họ dữ dằn quá. Không vừa tai các em sẵn sàng xổ ra hàng loạt tiếng Đan mạch
Mọi so sánh cho vui thôi – giống như hoa đào ngoài Bắc với hoa mai trong Nam vậỵ
******************************************
TB:
“… Đó là chúng ta hãy mang mình ra phân tích. Hãy thật sự tỉnh táo trong việc nhìn lại mình. Hãy đối chiếu mình với yêu cầu của cộng đồng và tự vạch ra cho chung quanh thấy hết những lầm lỡ và cả những cơ hội hèn hạ kiếm chác ngu muội man trá của thế hệ mình… Chỉ có điều với nhiệt tình khác hẳn, hoặc có thể nói với tinh thần quyết liệt hơn, sòng phẳng hơn và cũng vô tư hơn. Khi ấy những ê chề đau đớn mà chúng ta trải nghiệm không biết chừng sẽ đóng vai một bài học cho lớp trẻ. Họ sẽ tránh được những vết xe đổ.”
Tôi đã đọc những điều trên trong blog của anh Nhàn khi bàn về thể loại hồi ký
Những điều viết ra đây chỉ là nhu cầu bản thân
Trong những ngày lái xe Uber tôi thường hay chuyện trò với khách hàng, nhằm giảm bớt căng thẳng trong thời gian chạy xe
Tôi hay gợi ý cho khách kể chuyện, đồng thời cũng hay kể những câu chuyện của tôi — khách hàng rất thích thú và ấn tượng những câu chuyện ban đầu tưởng như vô bổ này
Lần đầu tiên trong đời, tôi mạnh dạn nhờ anh Nhàn đọc và góp ý
Không ngờ anh khen rằng rất hay và bảo tôi….. viết tiếp