Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Cầu Long Biên


Từ ngày còn rất bé, tôi vẫn thường qua lại trên chiếc cầu này. Quê nội, quê ngoại tôi đều ở Hà bắc. Những năm 65 - 67 chiến tranh ác liệt, tôi phải sơ tán về Từ Sơn.
Người ta nói rằng, cây cầu này “dài nhất thế giới” bởi mỗi chiều chỉ lọt vừa 1 chiếc ô tô và 1 chiếc xe đạp. Qua cầu phải mất hàng tiếng đồng hồ, nhất là khi có những chiếc xe cũ kỹ thỉnh thoảng dở chứng nằm chết máy giữa cầu thì thật là tai họa, phải nằm chờ người ta điều xe đến cứu hộ.
Cầu Long Biên những năm chiến tranh là mục tiêu ném bom của Mỹ nhằm cắt đứt tuyến đường lên phía Bắc Hà nội.
Tôi cũng chứng kiến cảnh cầu Long biên bị tàn phá.
Trước đây cây cầu này có tất cả 19 nhịp, sau này qua nhiều lần khôi phục, cây cầu hiện nay chỉ còn vài nhịp. Tuy vậy, cây cầu này cũng còn rất đẹp!
Câu "Địch phá, ta lại sửa ta đi" luôn gắn liền với lịch sử cây cầu. Có một trận địa pháo cao xạ được bố trí ở trên đỉnh một nhịp để bảo vệ cầu.
"Tiếng nói Hà Nội" là bài hát về những ngày bom đạn đó:
"Tôi đứng đây trên nhịp cầu Long Biên lộng gió.
Dưới chân cầu Hồng hà vẫn nghìn năm sóng vỗ.
Hà Nội hiên ngang tay súng sẵn sàng
Tôi lắng nghe từng phố phường thân
yêu đang vọng về đây.
Tiếng nói sớm chiều.
Từ Đống Đa gió thổi hồn dân tộc
Từ Ba Đình gió giữ lời thề độc lập
Tiếng ngày nay cùng với tiếng ngày xưa
Như nhắc nhớ truyền thống của thủ đô
Hà nội sắc son quyết tâm một lời thề
Tôi đứng đây biết bao niềm tự hào
Giữ thủ đô diệt tan quân cướp nước
Nhắm quân thù nòng súng vươn tới trời cao".
Năm 68, tình hình ở Hà nội yên ổn hơn một chút, một mình tôi bắt xe khách từ Từ sơn về Hà nội ở với bố mẹ.
Năm đó, cây cầu mới bị trúng bom Mỹ, không thể đi qua được nên phải đi bằng cầu phao để sang Hà nội.
Rồi từ đây, tôi đi bộ về nhà trong sự vui mừng của gia đình.
Buổi tối hôm đó, cả nhà quây quần ăn bữa cơm xum họp sau bao năm ly tán trong ánh đèn dầu hỏa.
Sau này, cây cầu vẫn còn gắn bó mãi với tôi vì có thời gian tôi đóng quân ở Gia Lâm, gần như tuần nào tôi cũng đi qua chiếc cầu này, hoặc bằng xe đạp, hoặc đi bộ ra ga Gia Lâm nhẩy tầu hỏa về Hà nội. Qua cầu là ga Long Biên, ga này tầu không đỗ mà chạy tương đối chậm. Tôi nhẩy xuống và đi đến chợ Đồng xuân chờ tầu điện để về nhà.
Đi tầu hỏa qua cây cầu này, bao giờ cũng cho tôi cảm giác vui buồn lẫn lộn.
Lại nhớ trận lụt năm 1971, nước sông Hồng dâng lên mấp mé bờ đê, sợ cây cầu trôi đi mất, người ta phải điều cả một đoàn tầu chở đầy đá nằm trên cầu.
Ngày nay, cầu Long biên vẫn được rất nhiều người nhớ về nó. Như là một kỷ niệm không quên. Các bạn trẻ thường rủ nhau ra đây chụp ảnh. Con đường dẫn lên cầu có kiến trúc cổ kính, rất đẹp.
Nếu có dịp qua lại trên chiếc cầu này, ta sẽ thấy nhịp sống gần như chậm lại. Chỉ còn những chiếc xe máy, xe đạp. Gợi nhớ những ngày xa xưa.
Nhìn sang chiếc cầu Chương Dương, hoàn toàn khác hẳn. Cuộc sống bây giờ gấp gáp quá. Hàng đoàn dài ô tô, xe máy phóng hối hả trên cầu.
Nhà anh tôi ở bên Gia Lâm, giờ đây đi qua cầu Chương dương để sang bên ấy tiện hơn, nhưng tôi vẫn thích đạp xe đi trên cây cầu cũ kỹ này. Thỉnh thoảng bắt gặp những đoàn tầu hỏa chạy rầm rầm trên cầu, Đầu máy hơi nước được thay bằng đầu diezen, tiếng còi tầu quen thuộc cũng không còn nữa.
Mỗi lần ra Hà nội, buổi sáng tôi hay đạp xe đến giữa cầu có lối xuống bãi Giữa, một nơi có thể gọi là thiên nhiên giữa lòng thành phố.
Nơi đây có một bãi tắm tiên nổi tiếng. Câu lạc bộ bơi lội sông Hồng gồm toàn các cụ ông. Sáng nào các cụ cũng tụ tập cởi truồng, tập thể dục, đá bóng, sau đó các cụ chạy lên phía thượng lưu bơi xuôi theo dòng nước về tận gầm cầu Long biên.
Lần đầu tiên tắm truồng ở đây hơi ngại, nhưng vài lần cũng quen thôi!
Gieo mình xuống giữa dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy, bất kể mùa đông lạnh giá. Hòa mình vào thiên nhiên, nhìn về cây cầu, cảm giác thật tuyệt vời!
Cầu Long biên, có 2 thời điểm ngắm rất đẹp.
- Buổi sáng, cầu hiện ra mờ ảo trong sương sớm!
- Cầu đẹp lung linh trong nền trời vàng rực, nhất là trong những chiều thu!

  Viết bình luận... NHẬT KÝ XUYÊN VIỆT Chuẩn bị Trên mạng có bài " Đọc được topic này vừa vui, vừa tiếc. E chỉ có 1 ước mơ trước khi lấ...