Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Bâng khuâng Ngày Khai Trường


Khai Trường bao giờ cũng là ngày trọng đại không thể quên của tuổi học trò.
Nhất là lễ Khai Trường Ngày 5/9 năm 1975. Ngày chúng tôi được là học sinh của trường cấp 3 Ba Đình.
Chúng tôi đến trường sớm hơn một chút, với bộ quần áo tinh tươm, xách trên tay những chiếc cặp sách mới tinh, những cuốn vở mới tinh được bọc cẩn thận bằng hoạ báo, nhãn vở được nắn nót ghi rõ tên trường Ba Đình - lớp 8.
Tiếng trống trường - 3 hồi-9 tiếng vang lên, hôm nay sao mà rạo rực tha thiết !
Các anh chị lớp 9, lớp 10 đã xếp hàng sẵn đón chào các cô cậu học trò khối lớp 8.
Chúng tôi, những cô cậu học trò mặt mũi còn ngơ ngác, hồi hộp tiến vào sân trường giữa những tràng vỗ tay của Thầy Cô và các anh chị lớp lớn.
Chả bao giờ chúng tôi quên cảm giác tự hào khi cô Lương- Hiệu trưởng Trường phát biểu rằng, chúng tôi vinh dự là học sinh năm học đầu tiên của Trường Ba Đình khi đất nước đã được thống nhất.
- Chúng tôi đã là học sinh cấp 3 rồi đấy !
- Chúng tôi được học trong ngôi trường thật đẹp, nằm sát bên hồ Tây lộng gió.
Sau lễ khai giảng, chúng tôi vào nhận lớp
Cô Hạnh dậy môn Nga văn là giáo viên Chủ nhiệm của lớp chúng tôi.
Buổi sinh hoạt đầu tiên là mục làm quen Cô trò, sắp xếp chỗ ngồi, bầu cán sự lớp, chép thời khóa biểu, nội quy học tập.v.v.
Tôi chỉ thích nhất là giờ ra chơi. Được chạy nhẩy khắp sân trường rộng thênh thang, rợp mát bóng cây.
Chúng tôi kéo nhau ra sân vận động của trường, chạy ra ven hồ Tây, đặc biệt băng qua nhà xe để ra nhà Bát Giác hóng gió. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn đường Thanh Niên, làng Yên Phụ và xa xa là 2 cây cột điện Chèm mờ mờ ảo ảo.
Lại nhớ lần Khai Trường của năm đầu cấp 2, chúng tôi được dự Lễ Khai Giảng năm học mới 2 lần
- Một lần khai giảng khi còn học nơi sơ tán bởi chiến tranh ở Xuân Đỉnh,
Năm 73 hòa bình trở lại, chúng tôi trở về Hà nội Khai Giảng lại năm học lớp 5
Khai giảng năm học cuối cấp 2, lớp 7 cũng vậy, lòng cứ lâng lâng, vì được học trong một ngôi trường mới tinh - trường Ba Đình - Hoàng Hoa Thám
Hôm nay cũng ngậm ngùi thương các bé học sinh vì dịch bệnh mà không được tới trường dự lễ khai giảng năm học mới.
Biết bao Mùa Khai trường đã trôi qua, tôi vẫn nhớ Mùa Khai trường những năm ấy, năm học đầu tiên của trường Cấp 3 Ba Đình.
Chúng tôi muốn cùng Các bạn Ba Đình ôn lại những kỷ niệm không quên của một thời thương nhớ - Một thời học trò !

Tết Trung Thu


Có lẽ Tết Trung thu chúng tôi háo hức không kém ngày tết truyền thống là mấy.
Bọn trẻ xóm Ổi - phố Thụy Khuê chúng tôi cũng chuẩn bị cho riêng mình một vài món đồ chơi trung thu.
Cách cả tháng trời, đám trẻ con chúng tôi cắm mặt xuống đường tìm nhặt từng hạt bưởi về bóc vỏ, phơi lên cho khô rồi xâu lại bằng kim chỉ hoặc bằng dây thép. Đợi đến tối Trung thu mới đốt.
Lớn hơn một chút tôi tự tay làm cho mình một chiếc đèn ông sao bằng nan tre, dán giấy bóng kính xanh đỏ, được đốt lên bằng 1 cây nến.
Cầu kỳ hơn nữa, chúng tôi lên bãi rác của Xưởng phim 72 tìm những đoạn phim cũ ( cháy rất nhanh ), cắt nhỏ nhét vào ống tiêm philatop gắn vào bẹ chuối làm tên lửa bắn thi, thích lắm.
Các bạn gái thì sao ?. Cũng háo hức không kém.
Món đồ tự tay làm thủ công thôi, nó cực kỳ lôi cuốn : Một cái hộp làm bằng bìa giấy, trong đó để bông trắng, rồi trang trí hoa lá cỏ cây và đặt các con vật nhỏ xíu vào , thường là đàn gà con lông vàng mỏ đỏ, hoặc đôi chim câu nhìn rất bắt mắt.
Nhưng đặc biệt là bóc quả bưởi ra rồi lộn ngược từng múi bưởi để xếp thành con chó lông xù , lấy 2 viên bi ve làm mắt . Khoái nhất là trò này !
Đi rước đèn và rước luôn cả con chó .. bằng bưởi !
Dưới phố hàng Mã, trước Tết Trung thu, người ta đã chuẩn bị cơ man nào là đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ, trống, đầu sư tử.v.v.v.
Tôi xuống hàng Mã ngắm đồ chơi phải vài lần. Đi vào buổi tối mới thích!Bước vào chợ như bị lạc vào thế giới cổ tích.
Thích nhất là nhìn mấy ông bán tòhe, họ nặn thành hình hoa, lá, cành, và cả Tôn ngộ không, Chư bát giới. Những con tò he bằng bột, chúng tôi mua chơi chán, có khi còn ăn luôn.
Không phải đứa nào cũng có tiền mua được chiếc tầu thủy làm bằng sắt tây, chạy bằng dầu hỏa. Tiếng tầu thủy kêu tành tạch chạy trên sông Tô lịch hoặc trong chậu nước là niềm hãnh diện của chúng tôi.
Thỉnh thoảng còn bắt gặp Đội múa sư tử, thấy ông đeo mặt nạ mặt tròn như ông địa, mặc áo dài, bụng phệ, tay phe phẩy quạt đi uốn éo, vừa thích vừa sợ.
Tối Trung thu, trăng tròn và rất sáng
" Hôm nay rằm Tháng Tám
Mẹ thắp đèn kéo quân
Khi đèn vừa cháy sáng
Bao bóng người chạy quanh”
Đèn kéo quân là một thứ đồ chơi, với bọn trẻ con chúng tôi có vẻ là một món đồ xa xỉ. Chắc phải là nhà có điều kiện. Thỉnh thoảng tôi được xem ké ...
Và điều mong đợi nhất là được ăn bánh trung thu.
Nhà tôi được mua 2 chiếc bánh, một bánh nướng, một bánh dẻo mua theo tiêu chuẩn bìa gia đình.
Mẹ tôi cắt mỗi chiếc bánh ra làm 8 miếng. Anh em tôi nhìn thèm dỏ dãi.
Phá Cỗ Trung thu còn có cả trái cây .
Niềm vui Tết Trung thu có bấy nhiêu thôi nhưng chắc chả có ai quên được.
Có thể là tranh biếm họa về 5 người và trẻ em

Cầu Long Biên


Từ ngày còn rất bé, tôi vẫn thường qua lại trên chiếc cầu này. Quê nội, quê ngoại tôi đều ở Hà bắc. Những năm 65 - 67 chiến tranh ác liệt, tôi phải sơ tán về Từ Sơn.
Người ta nói rằng, cây cầu này “dài nhất thế giới” bởi mỗi chiều chỉ lọt vừa 1 chiếc ô tô và 1 chiếc xe đạp. Qua cầu phải mất hàng tiếng đồng hồ, nhất là khi có những chiếc xe cũ kỹ thỉnh thoảng dở chứng nằm chết máy giữa cầu thì thật là tai họa, phải nằm chờ người ta điều xe đến cứu hộ.
Cầu Long Biên những năm chiến tranh là mục tiêu ném bom của Mỹ nhằm cắt đứt tuyến đường lên phía Bắc Hà nội.
Tôi cũng chứng kiến cảnh cầu Long biên bị tàn phá.
Trước đây cây cầu này có tất cả 19 nhịp, sau này qua nhiều lần khôi phục, cây cầu hiện nay chỉ còn vài nhịp. Tuy vậy, cây cầu này cũng còn rất đẹp!
Câu "Địch phá, ta lại sửa ta đi" luôn gắn liền với lịch sử cây cầu. Có một trận địa pháo cao xạ được bố trí ở trên đỉnh một nhịp để bảo vệ cầu.
"Tiếng nói Hà Nội" là bài hát về những ngày bom đạn đó:
"Tôi đứng đây trên nhịp cầu Long Biên lộng gió.
Dưới chân cầu Hồng hà vẫn nghìn năm sóng vỗ.
Hà Nội hiên ngang tay súng sẵn sàng
Tôi lắng nghe từng phố phường thân
yêu đang vọng về đây.
Tiếng nói sớm chiều.
Từ Đống Đa gió thổi hồn dân tộc
Từ Ba Đình gió giữ lời thề độc lập
Tiếng ngày nay cùng với tiếng ngày xưa
Như nhắc nhớ truyền thống của thủ đô
Hà nội sắc son quyết tâm một lời thề
Tôi đứng đây biết bao niềm tự hào
Giữ thủ đô diệt tan quân cướp nước
Nhắm quân thù nòng súng vươn tới trời cao".
Năm 68, tình hình ở Hà nội yên ổn hơn một chút, một mình tôi bắt xe khách từ Từ sơn về Hà nội ở với bố mẹ.
Năm đó, cây cầu mới bị trúng bom Mỹ, không thể đi qua được nên phải đi bằng cầu phao để sang Hà nội.
Rồi từ đây, tôi đi bộ về nhà trong sự vui mừng của gia đình.
Buổi tối hôm đó, cả nhà quây quần ăn bữa cơm xum họp sau bao năm ly tán trong ánh đèn dầu hỏa.
Sau này, cây cầu vẫn còn gắn bó mãi với tôi vì có thời gian tôi đóng quân ở Gia Lâm, gần như tuần nào tôi cũng đi qua chiếc cầu này, hoặc bằng xe đạp, hoặc đi bộ ra ga Gia Lâm nhẩy tầu hỏa về Hà nội. Qua cầu là ga Long Biên, ga này tầu không đỗ mà chạy tương đối chậm. Tôi nhẩy xuống và đi đến chợ Đồng xuân chờ tầu điện để về nhà.
Đi tầu hỏa qua cây cầu này, bao giờ cũng cho tôi cảm giác vui buồn lẫn lộn.
Lại nhớ trận lụt năm 1971, nước sông Hồng dâng lên mấp mé bờ đê, sợ cây cầu trôi đi mất, người ta phải điều cả một đoàn tầu chở đầy đá nằm trên cầu.
Ngày nay, cầu Long biên vẫn được rất nhiều người nhớ về nó. Như là một kỷ niệm không quên. Các bạn trẻ thường rủ nhau ra đây chụp ảnh. Con đường dẫn lên cầu có kiến trúc cổ kính, rất đẹp.
Nếu có dịp qua lại trên chiếc cầu này, ta sẽ thấy nhịp sống gần như chậm lại. Chỉ còn những chiếc xe máy, xe đạp. Gợi nhớ những ngày xa xưa.
Nhìn sang chiếc cầu Chương Dương, hoàn toàn khác hẳn. Cuộc sống bây giờ gấp gáp quá. Hàng đoàn dài ô tô, xe máy phóng hối hả trên cầu.
Nhà anh tôi ở bên Gia Lâm, giờ đây đi qua cầu Chương dương để sang bên ấy tiện hơn, nhưng tôi vẫn thích đạp xe đi trên cây cầu cũ kỹ này. Thỉnh thoảng bắt gặp những đoàn tầu hỏa chạy rầm rầm trên cầu, Đầu máy hơi nước được thay bằng đầu diezen, tiếng còi tầu quen thuộc cũng không còn nữa.
Mỗi lần ra Hà nội, buổi sáng tôi hay đạp xe đến giữa cầu có lối xuống bãi Giữa, một nơi có thể gọi là thiên nhiên giữa lòng thành phố.
Nơi đây có một bãi tắm tiên nổi tiếng. Câu lạc bộ bơi lội sông Hồng gồm toàn các cụ ông. Sáng nào các cụ cũng tụ tập cởi truồng, tập thể dục, đá bóng, sau đó các cụ chạy lên phía thượng lưu bơi xuôi theo dòng nước về tận gầm cầu Long biên.
Lần đầu tiên tắm truồng ở đây hơi ngại, nhưng vài lần cũng quen thôi!
Gieo mình xuống giữa dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy, bất kể mùa đông lạnh giá. Hòa mình vào thiên nhiên, nhìn về cây cầu, cảm giác thật tuyệt vời!
Cầu Long biên, có 2 thời điểm ngắm rất đẹp.
- Buổi sáng, cầu hiện ra mờ ảo trong sương sớm!
- Cầu đẹp lung linh trong nền trời vàng rực, nhất là trong những chiều thu!

Chuyến đi Campuchia


Từ Sài gòn đi Phnom Pênh rất dễ dàng với nhiều phương tiện, có thể đi bằng xe máy, các bạn tôi đi phượt suốt. Thật tiếc là tôi chưa có dịp nào đến Phnom Pênh bằng xe máy.
Đi xe buýt chỉ từ sáng tới trưa là có mặt ở thủ đô Phnom Penh.
Thành phố này chả khác nhiều so với Sài gòn và không sầm uất bằng.
Từ bến xe ở ngoại thành, đi xe Túc túc vào trung tâm thành phố với giá 2 đô. Thật vui dân Campuchia dùng tiền đô, tiền Việt, tiền Trung quốc vô tư. Mọi người tư vấn, cứ chuẩn bị tiền lẻ 2 đô là tiêu dễ dàng.
Theo kinh nghiệm du lịch bụi, chúng tôi cứ chọn khu trung tâm thành phố để ở.
Hóa ra ở thủ đô Campuchia dân ở các tỉnh miền Tây Việt nam sang đây làm ăn khá nhiều, kể cả đi bán vé số.
Buổi tối, chúng tôi đang loay hoay tìm đường đến Hoàng cung thì gặp ngay một người nói tiếng Việt rất sõi “ Ở đây người ta gọi Cung Vua "
Sau đó tôi mới biết hôm nay là Lễ hội té nước.
Cũng giống như ở Sài gòn, Lễ hội , người ta tổ chức bắn pháo hoa trước quảng trường Hoàng cung trông ra mặt sông Mekong.
Bắn pháo hoa không có gì lạ với tôi và nhất là tại đây mọi người tập trung đông quá nên anh em tôi đi bộ về trung tâm ngắm thành phố về đêm.
Tai họa đổ ập xuống đây chỉ ít phút sau, khi cây cầu bắc qua sông bị gãy. Kết cục bi thảm của vụ sập cầu này làm hơn ba trăm người thiệt mạng và vài trăm người bị thương.
Từ thủ đô đi Xiêm Riệp khoảng 300km, đường bên này khá tốt.
Trên những đoạn đường dừng chân, người dân bầy bán cơ man nào là cào cào, châu chấu, dế . Du khách có thể nếm thử thoải mái. Cây trái cũng rất nhiều.
Ban đêm, đường phố Xiêm Riệp rực sáng ánh đèn điện. Du khách thả sức đi bộ, mua sắm ở khu chợ đêm hay ngồi thưởng thức ly cà-phê ở "khu phố Tây" ồn ào, náo nhiệt.
Nhưng ở vùng đất cố đô du khách lại cảm nhận được sự bình yên và vẻ đẹp quyến rũ khác biệt.
Điều thú vị nhất là bạn có thể vừa ăn tối vừa thưởng thức điệu múa Apsara đầy mê hoặc. Nơi đây, ở các nhà hàng, khách sạn lớn đều có múa Apsara phục vụ du khách yêu nghệ thuật.
Từ trung tâm thành phố Xiêm Riệp vào khu di tích Angkor khoảng 7km. Đạp xe trên con đường đi vào khu di tích rất đẹp và rợp mát bóng cây.
Du khách có thể tự mua vé tham quan ở phòng vé. Có nhiều loại vé để mình lựa chọn: vé 1 ngày, 2 ngày, hoặc cả tuần bởi quần thể khu di tích này trải dài trên một diện tích vài chục km2. Nếu tham quan hết có khi phải mất cả tuần.
Siêm riệp là điểm du lịch mà khách phương tây vô cùng yêu thích
Có rất nhiều du khách ngoại quốc thuê xe đạp, xe máy đi lại giữa các điểm đến, xe để thoải mái nơi đây không bao giờ lo mất trộm.
Angkor Wat về đêm luôn sáng rực với ánh đèn và với những lễ hội tái hiện lại quang cảnh sống thời xưa.
Angkor có nghĩa là thủ đô, Wat có nghĩa là ngôi chùa.
Hình ảnh thiếu nữ Apsara có thể tìm thấy ở bất cứ ngôi đền nào trong quần thể Angkor. Những hình ảnh này luôn được khắc mềm mại và nổi bật trên nền đá, thể hiện trình độ điêu khắc tuyệt vời của những nghệ nhân thời bấy giờ.
Angkor Thom nằm trong quần thể Angkor Wat.
Có rất nhiều giả thuyết về gương mặt Bayon này. Người ta cho rằng khuôn mặt tượng trưng cho Quan Thế Âm Bồ tát. Nếu che nửa trên khuôn mặt thì đó là một nụ cười mỉm. Nếu che nửa dưới khuôn mặt thì đó là một ánh mắt buồn.
Năm ngày dạo chơi trên Đất Chùa Tháp, anh em tôi dành trọn một ngày tham quan Angkor.
Xiêm Riệp còn nhiều điểm thú vị cần khám phá: có thể ghé thăm bảo tàng, đến những ngôi chùa Khmer hiện diện khắp nơi, hay đạp xe tham quan những xóm làng yên bình ngoại ô thành phố.
Chuyến đến thăm thành phố Xiêm Riệp, nhất là Ăng co để lại trong lòng ấn tượng về một thành phố du lịch thật đẹp, thật lịch sự, thật mến khách.
Như được trở về quá khứ hùng tráng từ hàng trăm năm trước.
Xiêm riệp - như mọi người nói là nơi trong đời nên một lần đến.
Từ Xiêm Riệp, anh em tôi bắt xe khách về thẳng Sài gòn theo cửa khẩu Hoa Lư.
Sự kiện sập cầu, tai nạn ở Phnong Pênh làm người dân Việt nam không khỏi bàng hoàng.
Anh em tôi không hề biết rằng, mấy ngày du lịch vừa qua làm cả gia đình lo cuống cuồng. Điện hỏi thăm khắp nơi từ bên báo Tuổi trẻ tới Đại sứ quán coi có thấy tung tích của anh em tôi không.
Riêng bà chị dâu tôi cười như không có chuyện gì xẩy ra, chị tôi biết không đời nào anh em tôi lại coi bắn pháo bông , nhất là nơi đông người lại càng không bao giờ tới.

Chị Đồng


Đám học sinh Ba Đình Phương Nam mà tổ chức họp mặt bao giờ cũng vui. Có chị Đồng niềm vui của chúng tôi còn được nhân lên rất nhiều.
Phải nói là có cảm giác rất thiếu nếu mà bữa nào chị vắng mặt.
Sau mỗi lần họp mặt về, chúng tôi hầu như bị khan cả tiếng vì cười. Mà không ai khác, thủ phạm là bà chị Đồng.
Nhìn chị lả lướt theo điệu nhạc rumba, hay khi chị làm kép dìu đào rất duyên dáng. Bình thường khiêu vũ còn khó, vậy mà chị đóng vai kép rất nhuyễn. Chị luôn khuyến khích đám đàn ông tham gia khiêu vũ, nhưng chúng tôi không dám tham gia. Bởi khiêu vũ cũng cần phải có năng khiếu và đa phần quý ông đều ngại học.
Hôm nào đi hát karaoke, hay đi phòng trà có thêm anh xã của chị tham gia thì thật tuyệt, nhìn 2 anh chị ham vui cùng hát hoặc khiêu vũ, chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ
Trên sân khấu của phòng trà, nhìn chị hát nhưng bài nhạc tiền chiến, chúng tôi khẳng định chị là ca sỹ chuyên nghiệp
Có khi chị biểu diễn kèn hacmonika cùng ban nhạc thật điêu luyện.
Và khi nhập vai vào bài hát " Cô đôi thượng ngàn" thì dường như chị lên đồng thực sự- mặc dù tôi biết chị diễn cho vui thôi. Chị Đồng có nguồn gốc từ đấy và do thánh Gào đặt.
Thoạt nhìn, chị Đồng có khuôn mặt nghiêm nghị, và có vẻ còn hơi khó tính. Tôi nghĩ chị là bà mẹ chồng, chắc cô con dâu khó ở lắm...
Thậy kỳ diệu, khi chị vui, nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi, làm cho mọi người gần gũi, thân thiện biết bao.
Phải nói chị là người có tâm hồn thật trẻ trung. Nhìn chị diễn không ai dám bảo bà chị u70 rồi, chị nhanh nhẹn, uyển chuyển lắm lắm. Sao lại có người đa năng thế !
Chị nói chuyện bình thường thật rất duyên. Nhưng khi nổi hứng lên, chị pha trò thì thôi rồi, cả đám chỉ biết ôm bụng mà cười. Chuyện vui của chị tục mà thanh.
Cầm đầu 1 nhóm quậy gồm mụ Mỵ H,ương, Lệ quậy , thánh Há, Đến bất kỳ cuộc ọp nào là tiền hô hậu ủng, vui lắm.
Nhìn đám này quậy thì chắc chả có con cháu nào dám nhận đấy là bà nội, bà ngoại của chúng.
Thật vui, trong đám Cựu học sinh Ba Đình phương nam có những người như chị.
Trong những ngày dãn cách vì covid 19, chúng tôi luôn mong chờ khi nào hết dịch, được tụ tập ...và bao giờ chúng tôi đều mong gặp chị Đồng thân yêu.

Chị Ngơ ngác, kể nhé.


Sau này để ý tôi thấy trong các buổi họp mặt, không cứ của đám học sinh Ba Đình, các bà, các cô thường chiếm đa số , một kiểu “âm thịnh dương suy”.
Đám Cựu học sinh Ba Đình phương Nam cũng ở trong tình trạng này.
Ngoài những nhân vật cộm cán nổi bần bật như chị Đồng hổ báo, em Lệ "Xồn" thủ lĩnh năng động, chị H.Ương xinh đẹp, chém gió phần phật, còn có một bà chị khiến mọi người phải chú ý.
Chị rất nhẹ nhàng, lặng lẽ. Thoạt nhìn chị rất trẻ vì vóc người nhỏ nhắn, nụ cười có phần bẽn lẽn, nhìn kỹ hóa ra chị còn trẻ hơn nhiều so với quy định!
Cũng giống như bất kỳ các bà, các cô, gặp nhau không bao giờ quên màn chụp ảnh kỷ niệm, cúng "phây". Gặp nhau, ngắm nhau, khen nhau nức nở - Nghe mát hết cả ruột.
Trong khi chị Đồng luôn diễn những pha khó đỡ, thì em Thơ trưng ra đặc sản "Cười", em Lệ thì vừa ngáo ảnh, vừa ngáo chụp. Chị Ngơ ngác của tôi thì lại bảo chỉ muốn lưu lại cho riêng mình mà thôi. Chị luôn duyên dáng dịu dàng trong tà áo dài thướt tha.
Trong một lần tụ tập ở nhà chị Ngơ ngác bên quận 7, lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của gia đình anh chị.
Đến tiết mục văn nghệ văn gừng, chúng tôi chuyển sang một trạng thái khác hẳn!
Chị Ngơ ngác của tôi không còn “ngơ ngác” tẹo nào nữa, chị hoà vào cuộc vui hết mình.
Chúng tôi được nhìn chị múa, chị diễn, từng bước chân của chị uyển chuyển nhẹ nhàng đẹp như một tiên nữ Apsara, khi ấy chúng tôi chỉ còn biết ngắm nhìn - Thần tiên tỉ tỉ là đây chứ đâu!
Chị Ngơ ngác, khiêm nhường là vậy, đấy là duyên thầm trời ban cho chị!
Đọc những bài viết của chị trên trang Trường mới thấy chị cũng có một thời quậy phá kiểu học trò thật đáng yêu. Chị chả ngơ ngác chút nào, chúng tôi như có mặt trong từng câu chuyện của chị. Chị chả quên gì cả, từng chi tiết sống động chị đều nhớ như in.
Qua những câu chuyện chị kể, tôi hay hình dung ra một cô bé loắt choắt nghịch ngầm như cậu con trai.
Câu chuyện bấm chuông phá nhà người ta của chị, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh cô bé có khuôn mặt trái xoan ngơ ngác đến vô tội!
Những câu chuyện kể thật hay, cuốn hút. Câu chữ duyên dáng như người!
Sao trường Ba Đình lại có những người tuyệt vời như chị nhỉ!
Tại sao lại bảo chị Ngơ ngác? Đám cựu học sinh Ba Đình giờ đây nhiều người đã lên ông lên bà. Chuyện quên quên, nhớ nhớ chả phải của riêng ai, nghe chị nói chuyện rằng mình chả nhớ gì, chả biết viết gì, rồi nhìn khuôn mặt rất đỗi "ngây thơ" của chị, chúng tôi còn ngơ ngác hơn chị nhiều.
"Nhà văn" "ngơ ngác" Phương Minh
Cứ như Tiên nữ Thiên đình xuống chơi"
"Chị tôi Ngơ ngác như Nai
Tại sao không biết "Ai" xinh nhất trường
Đã hiền dịu, lại khiêm nhường
Bầu ngôi Mẫu hậu của trường....là em".

  Viết bình luận... NHẬT KÝ XUYÊN VIỆT Chuẩn bị Trên mạng có bài " Đọc được topic này vừa vui, vừa tiếc. E chỉ có 1 ước mơ trước khi lấ...