Một cô gái người Hà nội chính gốc nói rằng, cô có cảm giác rất lạ khi lần đầu vào Sài Gòn từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Trang phục người Sài Gòn mặc dạo đó đẹp và hơi lạ với Hà nội ngày ấy. Nhất là các cô gái Sài gòn không lẫn vào đâu được, nhẹ nhàng và thướt tha trong các tà áo dài và áo bà ba sao mà lả lướt thế!
Cô mê từ giọng nói đến ngôn từ của người Sài Gòn, sao nó nhẹ nhàng và dịu êm đến thế!
Nhìn các cô gái tha thướt trong bộ áo dài đi dạo phố không mê sao được.
Và ngay lập tức cô bạn đi may cho mình một bộ áo dài.
Cô bạn tâm sự, mình vốn cao, vòng 1 và vòng 3 hơi chuẩn nhưng ngoài Bắc dạo ấy người ta có vẻ không quan tâm đến chuyện này cho lắm, nên hơi cao cao một chút là ngại lắm.
Cô cảm thấy rất tự tin khi diện bộ áo dài dạo phố trong ánh mắt ngưỡng mộ của những người đi đường.
Cô nhớ, lần đầu tiên cô mặc áo dài trong ngày sinh nhật của mình được tổ chức ở Sài Gòn, cô có cảm giác mình được trân trọng hơn.
Rồi Nô en, Tết Tây người Sài Gòn cũng tổ chức hết sức trọng thể.
Ngôn từ người Sài gòn dùng cũng nhẹ nhàng, họ nói hơi mập một chút nghe thích hơn từ béo của ngoài Bắc. Các cháu bé xưng con thật tự nhiên, yêu lắm!
Đám Hiếu ở Sài gòn nếu không tận mắt chứng kiến, cô không thể tin được, họ hát hò ầm ĩ cả đêm. Họ có quan niệm cái chết là sự giải thoát, bên Đạo là được về bên Chúa. Không cần phải khóc lóc ỉ ôi...
Rồi cô bạn kể rằng, vào Sài Gòn mà không đi ăn quà vặt thì chưa thể hiểu văn hóa Sài Gòn. Quà vặt Sài gòn có thể là gói xôi buổi sáng với rất nhiều cơm dừa, một tô hủ tiếu với rau giá và lá hẹ. Lần đầu tiên được ăn Phở kiểu miền Nam, một tô Phở với nước dùng ngọt lịm ăn với rau giá và đủ các loại rau thơm, húng quế, ngò gai. Người Sài Gòn ăn Phở không thể thiếu rau.
Chuyện làm đẹp của các chị em cũng vậy, rất đa dạng với biết bao nhiêu tiệm làm đầu, matxa …v.v. mà ở Hà nội dạo ấy gần như chưa có.
Cô bạn kết luận: Thiên đường là đây chứ đâu xa!
Đàn ông, con trai Sài Gòn rất ga lăng với Phụ nữ, họ luôn biết nhường nhịn và chiều chuộng chị em.
Ở Sài gòn muốn hỏi thăm đường phố, người dân hết sức tận tình, thậm chí khi nhìn thấy mình quên gạt chân chống xe là họ nhắc giúp mình ngay,
Cô bạn còn tâm sự, lần đầu tiên vào Sài Gòn hoàn toàn chóang ngợp, sao Sài Gòn dạo ấy nhiều nhà cao tầng thế! Những chiếc xích lô thì cao ngất ngưởng bóng lộn. Ngồi xích lô dạo phố với cảm giác rất ung dung và thích thú vì Sài Gòn dạo đó ít xe máy và ô tô, đường phố ko đông đúc và ô nhiễm như bây giờ.
Cô kể, thích nhất mùa mưa ở Sài Gòn , vì sau cơn mưa thành phố như được khoác áo mới , khác hẳn...
Còn ông bạn thân mới vào Sài Gòn làm việc thì nhận xét, Sài Gòn không còn như xưa nữa, thành phố lúc nào cũng đông đúc, chật trội, ô nhiễm…
Sài Gòn không còn là Thiên đường mơ ước nữa.
Sài Gòn bây giờ sao giống Hà nội đến thế !
Hàng ngày đối diện với nạn kẹt xe, tắc đường mà ngán ngẩm!
Chỉ vài cơn mưa rào thôi là đường phố biến thành sông, bởi hệ thống thoát nước quá tải do tốc độ Đô thị hoá quá thần tốc.
Sân bay Quốc tế Tân sơn nhất, niềm tự hào của Thành phố giờ đây bát nháo như cái chợ, mỗi ông an ninh đều ngậm 1 cái còi thổi toe toe, rất kinh!
Mỗi lần có công việc cần ra ngoài đường rất ngại, người ở đâu mà đông thế, cứ chen chúc nhau mà đi. Các cửa ngõ vào trung tâm Thành phố đều bị kẹt cứng. Đường cao tốc đã ít, giờ đây trở lên quá tải, ngày Lễ Tết di chuyển trên cao tốc đúng là tai họa.
Sáng nay gọi điện hỏi thăm ông bạn, dịp nghỉ Lễ này có định đi chơi đâu không ?
Ông bạn trả lời rằng, có mà điên đi chơi trong những ngày này!
Ôi ! Bạn tôi đã là người Sài Gòn rồi!
P/S:
Có ai đó so sánh. Người ở nông thôn lên thành phố bao giờ họ cũng nghĩ rằng Sài Gòn là nơi tập trung văn hoá nên họ học hỏi được nếp sống của người đô thị.
Ngược lại, Hà Nội, người ngoài tỉnh thường đem theo những phong tục tập quán của địa phương lên Hà Nội, nên giờ đây không còn giữ đươc bản sắc của mình nhiều nữa.
86Thanh Hương Hương, Tran Thi Thanh và 84 người khác
10 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ